Trẻ mọc răng sớm có ảnh hưởng gì không? Tại sao trẻ mọc răng sớm?

8:00 AM - 21:00 PM

084 6809 555

Trẻ mọc răng sớm có ảnh hưởng gì không? Tại sao trẻ mọc răng sớm?

Thông thường trẻ 6 tháng tuổi mới bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên nhưng cũng có một số bé chỉ mới 3, 4 tháng tuổi đã có răng sữa trồi lên. Điều này khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Vậy trẻ mọc răng sớm có ảnh hưởng gì không? Và tại sao trẻ lại mọc răng sớm?

Các giai đoạn mọc răng ở trẻ

Mọc răng là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Trung bình khoảng 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng. Theo đó, thứ tự mọc răng sữa sẽ theo trình tự như sau:

  • 6 – 8 tháng tuổi: 4 răng cửa giữa hàm trên và hàm dưới trồi lên
  • 7 – 10 tháng: 4 răng cửa bên nhú lên khỏi nướu
  • 12 – 16 tháng: 4 răng hàm đầu tiên
  • 14 – 20 tháng: 4 răng nanh xuất hiện
  • 20 – 32 tháng: 4 răng hàm thứ hai

Thứ tự mọc răng sữa của bé

Thứ tự mọc răng sữa của bé

Đến 32 tháng tuổi, trẻ mọc đầy đủ 20 chiếc răng sữa bao gồm 10 răng sữa hàm trên và 10 răng sữa hàm dưới. Chúng có nhiệm vụ giúp con ăn nhai và hỗ trợ học nói tốt hơn trong những năm tháng đầu đời. Đặc biệt răng sữa còn giúp định hướng răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí.

Lưu ý, thời gian mọc răng của bé là khác nhau. Có những trẻ thời gian mọc răng sẽ sớm hơn, khoảng 4 – 5 tháng đã mọc nhưng cũng có một số trẻ đến 1 tuổi mới bắt đầu xuất hiện những chiếc răng sữa đầu tiên. Vì vậy, bố mẹ không cần phải lo lắng, nếu trẻ vẫn mọc răng trong khoảng 1 năm đầu đời thì bé vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Nguyên nhân trẻ mọc răng sớm

Việc trẻ mọc răng sớm có thể xuất phát từ yếu tố di truyền hoặc chế độ dinh dưỡng:

  • Di truyền: Nếu gia đình có bố mẹ hoặc ông bà mọc răng sớm thì rất có khả năng trẻ cũng thừa hưởng gen này làm răng mọc sớm hơn so với những đứa trẻ khác.
  • Chế độ dinh dưỡng: Một nền tảng dinh dưỡng tốt giúp con mọc răng nhanh hơn bình thường. Trong đó, canxi và vitamin D là hai thành phần quan trọng quyết định đến thời gian mọc răng của trẻ.

Việc trẻ mọc răng sớm hơn bình thường có thể xuất phát từ yếu tố di truyền

Việc trẻ mọc răng sớm hơn bình thường có thể xuất phát từ yếu tố di truyền

Dấu hiệu nhận biết trẻ mọc răng sớm

Chảy nước dãi: Hầu hết trẻ sơ sinh đều chảy một ít nước dãi nhưng trẻ mọc răng sẽ chảy nhiều và thường xuyên hơn làm cằm luôn trong tình trạng ẩm ướt, ửng đỏ và ngứa. Tình trạng chảy nước dãi khi mọc răng sẽ thuyên giảm và hết hẳn khi trẻ đến tuổi thay răng.

Sưng nướu: Răng sữa trồi lên khỏi nướu làm phần mô nướu bị kích ứng, gây hiện tượng sưng đỏ nhẹ. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xuất hiện 2 – 3 ngày đến khi chiếc răng nhú lên khỏi nướu sẽ biến mất.

Hay nhai cắn đồ vật: Để giảm cảm giác khó chịu, con sẽ lấy bất kỳ đồ vật nhìn thấy ở xung quanh cho vào miệng nhai, ngậm.

Khi mọc răng trẻ rất hay ngậm nhai đồ vật

Khi mọc răng trẻ rất hay ngậm nhai đồ vật

Sốt nhẹ: Quá trình mọc răng làm hệ miễn dịch của con bị thay đổi dẫn đến tình trạng nóng sốt. Tuy nhiên, sốt do mọc răng thường sốt nhẹ, khoảng dưới 38 độ C, bố mẹ có thể thực hiện hạ sốt cho con tại nhà.

Ngoài ra, trẻ mọc răng sớm còn xuất hiện những dấu hiệu khác như quấy khóc, biếng ăn, bú kém, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên lấy tay sờ vào vùng má và tai,…

Trẻ mọc răng sớm có ảnh hưởng gì không?

Theo các chuyên gia nha khoa, việc trẻ mọc răng sữa sớm là điều hoàn toàn bình thường, đây là vấn đề di truyền và chế độ dinh dưỡng, hoàn toàn không có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến sức khỏe của trẻ.

Do đó, thay vì lo lắng, bố mẹ nên quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng và biện pháp vệ sinh răng miệng để răng con mọc lên chắc khỏe. Đặc biệt, cần nắm được các mẹo chăm sóc trẻ mọc răng nhằm giảm cảm giác khó chịu, bứt rứt ở con.

Cách chăm sóc trẻ mọc răng

Trẻ mọc răng thường bị sưng đau nướu nên hay quấy khóc, khó chịu, nhiều bé còn có tình trạng nặng hơn như sốt, bú kém, biếng ăn,… Dưới đây là những mẹo giúp con dễ chịu, thoải mái hơn trong quá trình mọc răng.

  • Trẻ mọc răng thường có hiện tượng sốt nhẹ, khoảng dưới 38 độ C. Trường hợp này bố mẹ không cần phải đưa con đến bệnh viện mà có thể giúp con hạ sốt tại nhà bằng cách chườm ấm, lau người và mặc quần áo thoáng mát. Thường xuyên theo dõi thân nhiệt của con.

Hạ sốt cho con bằng cách chườm ấm và lau người

Hạ sốt cho con bằng cách chườm ấm và lau người

  • Lưu ý, nếu con sốt trên 38 độ C và không thể hạ sốt bằng phương pháp thông thường thì rất có khả năng con bị nhiễm vi khuẩn, virus. Lúc này, bố mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được kiểm tra, thăm khám.
  • Đeo yếm cho con hoặc thường xuyên dùng khăn mềm lau sạch phần nước dãi chảy quanh miệng để phần cằm được khô ráo, tránh tình trạng ẩm ướt gây kích ứng nổi mẩn đỏ.
  • Chuẩn bị những vật mềm như ti giả, vòng mọc răng để trẻ nhai cắn nhằm giảm cảm giác khó chịu. Những vật dụng này cần được vệ sinh và tiệt trùng sạch sẽ, tránh tình trạng con bị nhiễm khuẩn.
  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm lỏng, đặc biệt nên bổ sung những thực phẩm giàu canxi, vitamin D và khoáng chất tốt cho sự phát triển của răng. Tránh những thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh. Vì chúng sẽ làm nướu bị kích ứng khiến tình trạng sưng đau ở trẻ nghiêm trọng hơn.

Cho trẻ ăn thức ăn mềm lỏng và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày

Cho trẻ ăn thức ăn mềm lỏng và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày

  • Khi mọc răng, trẻ thường rất biếng ăn nên bố mẹ cần kiên nhẫn chia nhỏ khẩu phần ăn và cho con ăn nhiều lần trong ngày. Bổ sung nước cho trẻ nhằm ngăn ngừa tình trạng thiếu nước khiến cơ thể con mệt mỏi.
  • Bên cạnh đó, việc vệ sinh răng miệng của con cũng cần được chú ý. Bố mẹ nên dùng miếng gạc hoặc vải mềm thấm nước, quấn quanh ngón tay và lau nhẹ nhàng vùng nướu, bề mặt lưỡi của con.

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy trẻ mọc răng sớm hoàn toàn không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe. Việc nhận biết những dấu hiệu trẻ mọc răng sẽ giúp bố mẹ có biện pháp chăm sóc kịp thời làm giảm cảm giác khó chịu, bứt rứt ở con.

 

0846809555

Zalo
Hotline